47/77 ý kiến nhất trí tăng thuế xăng dầu: Họ là ai?
Rất nhiều bộ, ngành bày tỏ quan ngại việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên Bộ Tài chính cho biết có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn, vậy 47 ý kiến đồng ý đó họ là ai? Có đại diện cho quyền lợi người dân không?
Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ tiếp tục trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu lên mức kịch trần là 4.000 đồng mỗi lít đối với xăng, tăng 1.000 đồng so với hiện hành.
Còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng mỗi lít, tăng 1.100 – 1.700 đồng/lít so với mức hiện hành.Một điều dễ nhận thấy, để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình Bộ Tài chính luôn khẳng định số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành cho thấy đa số bộ, ngành đồng ý.
Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.
Theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu…
Viện dẫn của Bộ Tài chính được cho khá bất ngờ khi trước đó nhiều bộ ngành đưa ra cảnh báo khi tăng thuế môi trường xăng dầu.
Theo đó Bộ Công an cho rằng, khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước.
Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.Đồng quan điểm trên, Bộ Công Thương cũng nói phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) thay thế các loại xăng không chì. Ngoài ra còn cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Bộ Giao thông Vận tải thì cho rằng các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng các chính sách tại dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính chưa thể hiện được sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội nước ta hiện nay.
Bộ này cho rằng dự thảo chưa có nội dung rà soát những nội dung trùng lắp của các loại thuế khác nhau với cùng một loại sản phẩm, hàng hóa (xăng, dầu, nylon, than đá…) nhằm tránh việc thuế chồng thuế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh hồ sơ chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường.
Còn trong văn bản góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải lượng hóa các tác động xấu. Bộ Ngoại giao góp ý Bộ Tài chính cần có thêm đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là đối với nhóm người dân có thu nhập thấp.
Như vậy một loạt bộ ngành đều có góp ý chỉ ra cảnh báo hệ lụy việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Thực tế này đặt ra câu hỏi: 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là ý kiến của đơn vị nào? Đơn vị nào đại diện ý kiến quyền lợi của người tiêu dùng?
Năm 2019, số thu thuế bảo vệ môi trường đã đạt 0,9% GDP cả nước và chiếm 3,7% tổng thu ngân sách; 4,53% tổng thu thuế nội địa.
Bộ Tài chính cũng nói rằng số tiền này sẽ chi cho nhiều việc khác nhau. Trong đó có phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chi cho các dự án bảo vệ môi trường; chi trả các khoản vay cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ước tính số chi vào khoảng 26.270 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, thậm chí là các bộ ngành cảnh báo tác động của việc tăng thuế xăng đến nền kinh tế còn lớn hơn việc tác động đến chỉ số CPI. Ngoài ra, có thể khiến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Điều đáng nói lý giải của Bộ Tài chính nhằm sớm tăng thuế, còn chưa đưa ra được các nghiên cứu cụ thể, rằng việc tăng các khoản thuế bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng đến người dân, từng nhóm người dân như thế nào, lợi và hại của việc tăng thuế ra sao.

Tôi là Lê Huy Hoàng chuyên gia đánh giá xe của trang tin tức xe cộ Việt Nam. Tôi chia sẻ tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết của mình về xe cộ, luật giao thông.. qua các bài viết trên https://tintucxeco.net/