‘Tôi cảm thấy buồn’ : Đừng nên cổ súy cho cái sai!
Đừng nên cổ súy cho cái sai!
Chiều ngày 26/3/2018, Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ với Đất Việt về vụ tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12, Công an TP. Hà Nội bày tỏ: “Trong vụ việc này, tôi khẳng định xe khách đã sai khi không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”.
Ông Quyến cho biết: “Tuân (Trung úy Trần Văn Tuân – người lái xe cứu hỏa) có nói với tôi là khi vào đường cao tốc đã đi rất chậm, nhìn thấy chiếc xe khách đang lao tới với tốc độ nhanh nên Tuân đi sang làn đường ngoài cùng để tránh thương vong nhiều nhất. Nếu Tuân không điều khiển xe tránh thì có thể hai xe đấu đầu nhau, lúc này thương vong còn lớn hơn”..
Theo ông Quyến, từ đoạn băng ghi hình có thể thấy lái xe khách đi với tốc độ nhanh, không có dấu hiệu giảm tốc độ. Ông Quyến đặt câu hỏi: “Tài xế xe khách là người có kinh nghiệm lâu năm, thường xuyên lái xe trên cung đường đó vậy tại sao khi biết đó là đoạn ngã 3, thường xuyên có xe tách làn mà không giảm tốc độ? Hay lúc đó lái xe khách không tập chung nên không phát hiện ra xe cứu hỏa từ xa…”.
Lời khai của Trung úy Tuấn cùng toàn bộ nhân chứng của sự việc như người lái xe ôm, chị bán nước, chiến sĩ cảnh sát PCCC và người ngồi trên xe khách đã được cơ quan chức năng thu thập.
Ông Quyến một lần nữa khẳng định: “Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng tôi khẳng định tài xế xe khách đã sai hoàn toàn. Thực tế, lúc đó xe cứu hỏa của chúng tôi đã đi rất chậm rồi, không phải tự nhiên lấn sang làn đường tốc độ cao nhất mà là để tránh xe khách đang lao tới để không xảy ra một vụ tai nạn đấu đầu nhau”.
Ông Quyến cũng tâm sự thêm: “Mấy ngày qua tôi cảm thấy buồn. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, không hiểu được áp lực của người chiến sĩ cảnh sát PCCC khi làm nhiệm vụ phải làm cách nào nhanh nhất tới hiện trường để cứu hộ các nạn nhân.
Nếu đến muộn cũng bị người dân phản ánh mà muốn đến nhanh thì phải tìm phương án tốt nhất, được quyền ưu tiên mà đôi khi ý thức tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng của mình chưa đáp ứng được thì có lỗi với nhân dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ”.
Từ đó, ông Quyến mong muôn sự việc vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa trên đường cao tốc nhanh lắng xuống. Mọi người không nên chạy theo dư luận mà cổ súy cho hành động sai trái dẫn đến hệ lụy khó lường về sau.
Chủ xe khách chưa tính chuyện bồi thường
Về phía nhà xe, hiện ông Đỗ Hồng Hải – chủ xe khách Hải Hà đã mời mời luật sư Lê Văn Thiệp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội làm người đại diện pháp lý cho mình sau khi vụ tai nạn xảy ra. Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Thiệp cho biết, cơ quan chức năng đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn lên Phòng PC45 – Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra.
Theo ông Thiệp, chủ xe khách Hải Hà được xác định là người liên quan đến vụ việc khi tài sản bị hư hỏng nặng và nhiều hành khách của nhà xe bị thương trong vụ việc. Ông Thiệp cho rằng: “Trước khi tính đến chuyện phương án đền bù thiệt hại thì phải xác định lỗi trong vụ tai nạn này thuộc về ai, dựa trên cơ sở quy định pháp luật và thực tiễn vụ việc. Rất may trong vụ tai nạn này đã có camera ghi lại hình ảnh”.
Trước ý kiến của lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho rằng, xe cứu hỏa đã thực hiện quyền ưu tiên theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, ông Thiệp phản bác: “Tất nhiên, quyền ưu tiên là cần thiết nhưng quyền ưu tiên đó như thế nào thì cũng cần phụ thuộc vào kỹ năng của con người, phải đảm bảo an toàn cho những người khác và cho chính người làm nhiệm vụ được ưu tiên”.
Ông Thiệp phân tích: “Chúng ta phải xem xét tình huống xem trước khi sang đường đi ngược chiều, lấn làn lái xe cứu hỏa đã quan sát, thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn giao thông hay chưa?”.
Được biết, anh Đỗ Hùng Mạnh – lái xe khách trong vụ tai nạn cũng đã mời 4 luật sư làm người hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi pháp lý cho mình. Một luật sư cho rằng, trong vụ tai nạn này, khi xe chữa cháy sử dụng quyền của mình thì phải tôn trọng quyền của người khác, đơn giản nhất là quyền sống.
Xe cứu hỏa thực hiện quyền đó bừa bãi sẽ xâm phạm vào quyền sống của người khác. Vậy nên khi thực hiện quyền đó phải theo quy trình nhưng hiện nay pháp luật lại chưa đưa ra được quy trình thực hiện nó.
Thứ hai, song song với việc xe cứu hỏa thực hiện quyền của họ thì đồng nghĩa với nghĩa vụ của người khác.
“Nhưng vấn đề ở đây là xe chữa cháy phải cho người khác cơ hội để thực hiện nghĩa vụ của mình là tránh đường, ở đây xe cứu hỏa không cho xe khác cơ hội tránh thì ai nhường đường cho họ đi được. Vì thế hiện nay vấn đề này là bài toán cần được giải quyết” – luật sư bảo vệ quyền lợi cho tài xế Mạnh nói.
Theo: Baomoi

Tôi là Lê Huy Hoàng chuyên gia đánh giá xe của trang tin tức xe cộ Việt Nam. Tôi chia sẻ tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết của mình về xe cộ, luật giao thông.. qua các bài viết trên https://tintucxeco.net/