Nhưng trước mắt, người tiêu dùng đã “lãnh đủ” từ việc Grab âm thầm tăng giá, thái độ phục vụ của tài xế ngày càng kém.
Giá cước tăng 25 – 30%
Chính thức mua lại Uber VN vào ngày 8.4, khẳng định không độc chiếm thị trường, sẽ không tăng giá cước nhưng thực tế giá cho mỗi chuyến đi của Grab đang tăng chóng mặt.Chị Hoàng Khánh, ngụ tại Q.4, TP.HCM, cho biết quãng đường từ Hoàng Diệu (Q.4) đến Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) hằng ngày chị đi làm bằng GrabCar 4 chỗ chỉ mất từ 25.000 – 29.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng quãng đường đó, khung giờ đó, giá cước tăng lên 36.000 – 39.000 đồng.
Chiều 15.5, chị Hạnh (ngụ Q.7, TP.HCM) đặt xe Grab 4 chỗ từ đường Nguyễn Thị Thập đến đường Tân Hương (Q.Tân Phú), nhận được thông báo vào giờ cao điểm nên cước phí lên đến 320.000 đồng. Khoảng 4 phút sau, chị đặt lại thì giá hạ xuống còn 270.000 đồng.
Cùng thời gian, chị Hạnh thử đặt xe qua ứng dụng của taxi Vinasun, giá chỉ 260.000 đồng. “Cũng quãng đường đó, quay ngược lại không phải giờ cao điểm, giá chưa đến 140.000 đồng. Vậy cơ sở giá tính giờ cao điểm là gì? Hơn bao nhiêu mà giá đẩy lên hơn gấp đôi, cao hơn cả taxi truyền thống?”, chị Hạnh bức xúc.
Theo phản ánh của rất nhiều hành khách, từ khi sáp nhập Uber vào hệ thống, giá cước của Grab tăng ít nhất 25 – 30%. Chưa kể việc đặt xe ngày càng khó, tài xế thường xuyên tự ý hủy chuyến, gây nhiều phiền toái cho khách hàng.
Tại buổi họp mặt báo chí đầu tháng 5 vừa qua, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab VN, khẳng định Grab chưa có thay đổi nào về giá cước. Nhưng khi nhu cầu hành khách tăng cao, lượng đặt xe quá nhiều, mức giá sẽ cao. Nhưng thực tế cho thấy, cùng một quãng đường, cùng khung giờ, không báo cao điểm nhưng giá cước đã tăng nhiều so với trước.
Thiệt thòi lớn nhất là người dùng
Khoảng trống từ Uber để lại được nhiều chuyên gia đánh giá là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Trong số đó, cái tên nổi bật nhất là ứng dụng VATO do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đầu tư, được kỳ vọng tạo sự cạnh tranh, chặn thế độc quyền của Grab. Tuy nhiên, “chào sân” đã gần 2 tháng nhưng ứng dụng này vẫn chưa chiếm được sự quan tâm của cả khách hàng và tài xế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận trong thời gian ngắn, rất khó có được phần mềm nào đủ khả năng thay thế Uber cạnh tranh với Grab. Các doanh nghiệp Việt còn yếu ớt, tiềm lực kinh tế chưa đủ để chạy đua bằng giá, khuyến mãi như công ty đa quốc gia.
Trong khi cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của taxi truyền thống vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả thì sau khi Uber ra đi, Grab vẫn chưa có đối thủ.
“Thống lĩnh thị trường và lợi dụng vị thế này để tăng giá, bù lại phần lỗ trong 1, 2 năm hoạt động vừa qua tại VN là điều khó tránh khỏi. Thiệt thòi lớn nhất vẫn là người dùng”, ông Long đánh giá và cho rằng Cục Cạnh tranh – Bảo vệ người tiêu dùng cần nhanh chóng đưa ra kết quả điều tra, có chế tài xử phạt cụ thể để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Không chỉ âm thầm tăng giá, thời gian gần đây, hình ảnh của Grab đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mắt người tiêu dùng khi tài xế liên tục bị tố lấy đồ của khách và đáng chú ý nhất là vụ tài xế Grab quấy rối tình dục bé gái 9 tuổi xảy ra ngày 16.5.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho rằng chính sự bất cập, không rõ ràng trong các quy định thí điểm dẫn đến tình trạng khó khăn, mập mờ trong việc nêu tên đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tài xế taxi công nghệ. Bộ GTVT cần nhanh chóng đưa ra chính sách, cơ chế cùng chế tài để quản lý chặt chẽ hơn lực lượng tài xế taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống.
Hiệp hội Vận tải taxi cũng cần xây dựng bộ quy tắc đối với lái xe (cả taxi truyền thống và công nghệ) với sự thông qua của Bộ GTVT nhằm bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người dùng.