So với năm năm trước, tôi thấy lượng xe máy và ôtô ở Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam ngày càng nhiều. Cũng chính vì vậy mà việc lái xe an toàn lại là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Vậy làm sao để lái xe một cách an toàn?
Làm sao để lái xe một cách an toàn?
Khi trao đổi kinh nghiệm lái xe với nhiều tài xế lái xe ở Việt Nam, rất nhiều người đều đưa ra một câu hỏi trùng khớp như: Làm thế nào để có thể di chuyển an toàn, thoải mái trong điều kiện đường sá quá chật hẹp, xe cộ chen ngang loạn xạ.
Câu trả lời vô cùng đơn giản chính là “hãy bình tĩnh xử lý và tạo thêm cho mình nhiều khoảng không”. Tôi biết điều này là rất khó thực hiện ở một thành phố có đặc trưng xe cộ đông đúc, xe máy thường chạy chen ngang vào làn đường ôtô và leo lên các vỉa hè…
Khi bạn tạo cho mình đủ khoảng cách với xe đằng trước khi đang lưu thông trên đường thì bạn sẽ có thêm rất nhiều thời gian để xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Ở các nước phát triển, dòng xe di chuyển trên đường liên tục, nối đuôi nhau thì có thể dành khoảng không phía trước như thế nào để trong thời gian 1,5-2 giây xe sau mới chạm xe phía trước. Đặc biệt tài xế nên để ghế ngồi thấp và phóng tầm mắt nhìn xa. dự đoán được nhiều tình huống hơn thay vì cứ dán mắt vào trước mũi xe và không quan sát các bên.
Bình tĩnh khi lái xe để giữ an toàn cho mình
Bạn lái ôtô đi một quãng đường dài 30 phút, giả sử cứ 30 giây là có xe máy chạy cắt ngang đầu xe thì suốt quãng đường này chỉ có 60 xe chen vào. Nếu mỗi xe “lấy” của bạn 2 giây thì cả quãng đường bạn chỉ mất thêm có 120 giây, tức 2 phút. Chỉ hai phút thôi mà bạn bực mình, cáu gắt, cau có… để làm gì? Bạn nên giữ cho mình một cái đầu lạnh, luôn bình tĩnh khi lái xe, tránh việc bực tức, mất tập trung và gây ra tai nạn, việc chia sẻ khoảng không cho nhau mới là cách giải tỏa stress, bớt bực mình, bớt va chạm… khi lưu thông trên đường.
Bất cứ ai từng lái xe (ôtô hoặc xe máy) ít nhất cũng có vài lần va chạm… Vấn đề đặt ra là có lần nào bạn tự hỏi đó có phải lỗi của mình không? Phần lớn sẽ trả lời mình không có lỗi. Đây là “căn bệnh” chung trên toàn thế giới. Rất ít ai bước ra khỏi xe và nói “xin lỗi, đây là lỗi của tôi”. Thành thử bạn cố gắng bình tĩnh khi chẳng may có tai nạn, quan trọng nhất là con người nên trước hết phải xem có ai bị thương không để lo sơ cứu họ. Sau đó hãy đưa xe vào chỗ trống, thương thảo với nhau cách giải quyết thay vì lớn tiếng chửi nhau hoặc thượng cẳng chân hạ cẳng tay…