Nghề Lái taxi: Nghề làm dâu trăm họ

Nghề lái xe taxi cũng như nhiều nghề trong loại hình dịch vụ “làm dâu trăm họ”, với đủ những niềm vui, nỗi buồn. Có những niềm vui mang lại sự thăng hoa nghề nghiệp, và những điều tiếng khó thanh minh…

Những niềm vui nhỏ

Suốt 7 năm gắn bó với nghề lái taxi, biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn; có những lúc chán nản muốn bỏ việc vì áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống mưu sinh, nhưng vì cũng có những hạnh phúc nhỏ nhoi đã giúp anh Phương (đã thay tên), có thể gắn bó với nghề, anh Phương chia sẻ với người viết bài.

Sinh ra ở huyện miền núi Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, học hết trung học cơ sở, anh Phương nhập ngũ. Khi ra quân, Phương trở về quê với cái bằng lái xe được học trong Quân đội. 25 tuổi, Phương cưới vợ. Hai vợ chồng xoay xở với đủ thứ nghề nhưng cuộc sống vẫn chẳng được dư giả.

Anh Phương giao hẹn: “Kể chuyện với Nhà báo để chia sẻ thì được, chứ đưa tên tuổi, địa chỉ lên mặt báo là nhất quyết mình không kể, vì nhiều điều “nhạy cảm” lắm”. Phương kể, năm 2003, hai vợ chồng dắt nhau xuống Hà Nội. Vốn liếng không có, hai vợ chồng xoay xở đủ nghề cũng chẳng đủ kiếm sống. Tình cờ gặp lại người bạn cùng quân ngũ khi xưa đang làm lái xe cho một hãng taxi, nghe bạn nói chuyện nghề cũng bùi tai, sẵn có “vốn” là chiếc bằng lái xe, Phương nhờ bạn xin vào làm cùng. Công việc cứ thế trôi đi, thu nhập không khá giả nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống đất Hà Thành. Nhưng mong mỏi lớn nhất vẫn là có đứa con thì…

Phương cứ vùi đầu vào công việc. Một hôm, đang đến địa chỉ đón khách ở đường Láng, một cô gái dáng tiều tụy trên tay bế đứa bé đứng vẫy xe bên đường. Động lòng, Phương tấp xe vào. “Hỏi đi đâu, vị khách bảo: anh cứ đi đi – Phương nhớ lại. Thời điểm đó, taxi vẫn là phương tiện dành cho những người “có điều kiện”. Đi gần hết đường Láng, vẫn chưa biết địa chỉ đi tiếp, Phương thấy lạ, lại hỏi tiếp. Vị khách không trả lời mà chỉ khóc. Linh cảm điều bất thường, Phương dừng xe hỏi chuyện mới vỡ lẽ, đứa bé hơn một tuổi mà cô gái đang bế trên tay là kết quả của cuộc tình tay ba giữa cô với anh giám đốc một trung tâm môi giới xuất khẩu lao động. “Cô này là sinh viên năm thứ 4. Xin vào làm thêm ở trung tâm rồi sau đó bị tay giám đốc “lừa” tình. Trót có thai, cô phải bỏ học. Thời điểm đó, ngoại tình vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Sau khi vợ tay giám đốc phát hiện, cô bị đánh ghen tơi bời trong khu trọ. Xấu hổ, không tiền nuôi con, ngay tối đó cô ôm con định bỏ đâu đó thì gặp xe tôi” – anh Phương nhớ lại. Giờ cậu “con” anh Phương đã được hơn 7 tuổi. “Ngay sau đó tôi chuyển sang làm cho hãng khác. Đây là hãng taxi thứ 3 tôi đầu quân. Tôi gắn bó với nghề cũng một phần vì đứa “con”” – Phương chia sẻ.

Xem thêm  Thay áo cho “vợ 2” ủng hộ đội tuyển U23 VIỆT NAM vô địch

“Điều tiếng” như lái xe taxi

Người viết bài này cầm bút với ý nghĩ, chia sẻ với một nghề mà theo cánh tài xế taxi là “chỉ thấy nhiều chê bai chứ ít thấy ai khen”. Cánh tài xế taxi cũng than thở, nhiều khi bị “oan” mà chẳng biết kêu ai! Anh V, tài xế đã gần 5 năm với nghề, kể: “Hôm rồi tôi chở khách từ Khương Trung lên phố Thợ Nhuộm. Rõ ràng đồng hồ báo cước 65 nghìn đồng nhưng bà khách cứ nhất định chỉ trả 50 nghìn. Giải thích thế nào bà ấy cũng không nghe, cứ loa lên là tôi “chỉnh” đồng hồ, rồi chạy tuột vào bưu điện Bờ Hồ. Không dám đỗ xe đuổi theo vì bà ấy già và sợ bị phạt, đành ngậm ngùi”.

Tìm hiểu để viết loạt bài này, tôi cũng được chính tái xế V bật mí, không cày khỏe thì không sống với nghề được, nhưng điều quan trọng là sự “may mắn”. May mắn ở đây không phải là có nhiều khách, không bị phạt nhiều, không bị va chạm giao thông thường xuyên hay gặp nhiều khách sộp… Bởi những điều này “xưa như diễm”. Giải thích điều “may mắn” này, V bảo: “Nhiều tài xế “gian” lắm, “phất lên” nhờ đồ của khách để quên trên xe. Mới tuần trước, cánh tài xế ngồi với nhau, V nghe được câu chuyện, một tài xế lái cho hãng B vừa “vớ” được con Iphone 5 của khách để quên trên xe. Điện thoại này mới ra đời, chưa có ở Việt Nam, ông này đem bán được hơn 20 triệu. “Nhưng người ta tìm đúng tên hãng, chạy làm sao được. Công an truy ra thì khốn?” – tôi thắc mắc. V ngoắc tay: “Thế em mới bảo cần sự “may mắn”. Tất nhiên không nhiều nhưng cũng không hiếm lắm đâu. Đấy là cuốc khách dọc đường không qua tổng đài, nên nếu khách có nhớ được hãng xe báo lên để tổng đài rà soát xe nào vừa chạy cuốc đó, cũng bó tay. Nhưng cũng tùy, nếu thấy không “ăn” được là những tài xế có tính “gian” sẽ “nhả” ngay” – V giải thích rồi tưng tửng kể tiếp: “Nhiều đứa may mắn lắm, liên tục gặp khách để quên tiền, đồ đạc trên xe. Mà người ta có tìm lại thì toàn đồ “xịn”, giá trị lớn người ta mới tìm, nên chuyện được vài triệu, thậm chí cả chục triệu “hậu tạ” là chuyện thường”.

Xem thêm  THỰC HƯ “uống dầu gió xanh để tránh thổi nồng độ cồn” có thật hay câu like

Thực tế, câu chuyện của tài xế V kể trên chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, ít nhiều cũng làm cánh tài xế taxi mang tiếng xấu. Những câu chuyện đó cũng được cánh tài xế truyền tai nhau để làm gương, với hy vọng nghề mình đang làm được nhìn nhận theo chiều hướng tốt hơn. Như câu chuyện của tài xế M: Bắt được cuốc khách vãng lai trên đường Thái Hà đi đến phố Trần Cung, quận Cầu Giấy, khi xuống xe, khách để quên bọc tiền 10 triệu. Truy ra được bãi đỗ, khách gọi điện thoại thì tắt máy nên nhắn lại, nếu trả sẽ “hậu tạ” 2 triệu, nhưng tài xế M không nghe. Sau đó M bị “vớ” được và “ăn” trận đòn về nằm ốm hai ngày. “Nhiều khi cũng vì lòng tham bột phát. Sau này em rút kinh nghiệm, hơn một tháng sau việc đó, khách để quên điện thoại Nokia 8800 trên xe, em gọi khách trả lại, người khách biếu em 1,5 triệu” – M thật thà, kể.

Thắc mắc về mức thu nhập và việc tại sao các hãng taxi mọc lên như nấm sau mưa, trong khi có tài xế phải chi trả tiền đàm, tiền thương hiệu, rồi tiền mua xe trả góp tới cả chục triệu mỗi tháng mà vẫn sống được với nghề, tôi được tài xế D bật mí: “Hà Nội có hơn trăm hãng, nhưng chỉ khoảng hơn chục hãng có tiếng tăm là đảm bảo thu nhập và lo được cho đời sống cánh xế. Còn phần lớn là các lái xe phải tự “bơi” và số còn lại là sống lay lắt”. Cũng theo lời tài xế D, các hãng phần lớn đã cổ phần. Và nhiều hãng sống vì món cổ phần này. Bởi khi cổ phần, tài xế phải mua xe của hãng đắt thêm cả 40 đến 50 triệu, thậm chí cao hơn so với mua ở ngoài. Tiền lãi ở số tiền tài xế còn nợ thì cũng cao hơn lãi ngân hàng nhiều lần. Có hãng còn yêu cầu cứ 2 năm lại phải đổi xe mới, không cho chạy xe cũ để khỏi mất hình ảnh của hãng. “Thông thường, tài xế phải trả tiền đàm, tiền thương hiệu từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng một tháng; rồi tiền trả góp, tiền thuế thu nhập cá nhân khoảng 5 triệu đến 7 triệu một tháng, tùy theo hãng. Chưa kể tiền “luật”, tiền cầu phà… phải tự lo. Nếu tháng không kiếm được tầm 15 triệu, là đói” – D kết luận.

Nguồn: PL&XH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *