Khi thu giá BOT, Bộ GTVT có thẩm quyền điều chỉnh mức giá tối đa còn thu phí do Bộ Tài chính quyết định.
Liên quan đến vấn đề BOT giao thông, thời gian gần đây, dư luận có nhiều thắc mắc xung quanh các thuật ngữ “thu giá” và “thu phí” do Bộ GTVT đưa ra. Và hiện các trạm thu phí BOT cũng được đổi tên từ “thu phí” BOT thành “thu giá” BOT.
Nhằm làm rõ hơn về các thuật ngữ trên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết từ 1/1/2017, Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành có hiệu lực.
Việc đổi tên gọi từ thu phí sang thu giá cũng được chuyển từ thời điểm này và theo quy định của Luật phí và lệ phí.
Theo đó, Bộ GTVT có thẩm quyền ban hành mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ này quản lý, bao gồm đường quốc lộ, đường cao tốc.
Trong khi đó, trước đây, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức “phí” và do Bộ Tài chính quy định. Với mỗi dự án BOT, Bộ Tài chính sẽ có một thông tư riêng quy định mức phí cụ thể.
“Thông tư 35 (hiệu lực từ 1/1/2017)của Bộ GTVT cũng đã nêu rõ căn cứ cơ sở để ban hành”, lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết.
Cụ thể, Bộ GTVT đã căn cứ Luật giao thông đường bộ, Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT để ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ này quản lý.
Theo thông tư 35 nêu trên, mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thống nhất tại Hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
“Khi các yếu tố hình thành giá trong nước có biến động ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án thì sẽ được Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh mức giá tối đa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật về giá”, Thông tư 35 nêu rõ.
Như vậy, về bản chất, khi chuyển từ thu phí sang thu giá, Bộ GTVT là cơ quan có quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố biến động còn Bộ Tài chính có thẩm quyền điều chỉnh phí.
Đáng chú ý, từ khi thuật ngữ thu giá BOT được đưa ra, có nhiều ý kiến dư luận cho rằng có sự nhập nhằng giữa 2 khái niệm và lo ngại phí chồng phí.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định không có chuyện phí chồng phí.
Theo vị này, “thu giá” – “thu phí” không có gì khác nhau về mức thu và khi Bộ GTVT có thẩm quyền điều chỉnh giá thì đã công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Được biết, Thông tư 35 của Bộ GTVT cũng quy định các trạm thu đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện mức thu tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành cho đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh.